Lợi ích khi đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

Lao động sang Nhật được nhiều cái lợi
Những nội dung trên được thể hiện rõ trong Luật Sửa đổi bổ sung về quản lý xuất nhập cảnh và công nhận tị nạn của Nhật Bản có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7 tới. Ông Shotaro Tochigi, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản – JITCO, cho rằng luật mới này hướng đến việc bảo vệ tốt hơn lợi ích chính đáng và ổn định địa vị pháp lý của tu nghiệp sinh (TNS) nước ngoài.
                           
                                                                                    

Được làm thêm và thu nhập tăng

Một trong những thay đổi lớn nhất về chính sách quản lý xuất nhập cảnh được cụ thể hóa ở luật mới này là thay đổi tư cách lưu trú của lao động nước ngoài trên cơ sở rút ngắn thời gian lưu trú tu nghiệp một năm theo chương trình TNS trước đây xuống còn 1-2 tháng ở chương trình thực tập kỹ năng (thực tập sinh).
Cần nói rõ là từ năm 1992 đến nay, XKLĐ VN sang Nhật Bản thực hiện theo chương trình TNS với chế độ lưu trú hiện hữu là 1 năm tu nghiệp và 2 năm thực tập kỹ năng. Vì lưu trú với tư cách tu nghiệp nên trong năm thứ nhất, người lao động (NLĐ) không có tư cách quan hệ lao động với chủ sử dụng lao động, không được làm thêm giờ và chỉ hưởng lương dưới hình thức trợ cấp tu nghiệp (bằng khoảng 70% lương cơ bản). Mức trợ cấp mà NLĐ được hưởng là 60.000 yen/tháng trong năm thứ nhất (1 yen tương đương 207 đồng); năm thứ hai lương căn bản 80.000 yen/tháng và năm thứ ba 90.000 yen/tháng.
Ngược lại, kể từ thời điểm 1-7-2010 trở đi, sau 1-2 tháng nhập cảnh Nhật Bản và tham gia khóa học bổ trợ tiếng Nhật, kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật nước sở tại, NLĐ sẽ được chuyển sang chế độ lưu trú thực tập kỹ năng. Điều này đồng nghĩa với việc họ được xác lập tư cách lao động, có tư cách quan hệ lao động, được đối xử như lao động bản địa và được bảo vệ bởi Luật Lao động và các luật liên quan. Quan trọng nhất là họ được ký kết hợp đồng lao động, được làm thêm giờ và trả lương cùng các chế độ bảo hiểm đầy đủ. Nhờ vậy, mức trợ cấp tu nghiệp 60.000 yen mỗi tháng như trước đây trong năm thứ nhất sẽ được tăng lên 30% kéo theo thu nhập tăng ngay trong năm đầu tiên thông qua hình thức trả lương, phụ cấp làm thêm giờ theo hợp đồng lao động.

Chi phí sẽ giảm
Chi phí XKLĐ mà NLĐ  phải nộp để được sang Nhật Bản hiện nay từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người. Ngoài ra, NLĐ thường phải đóng tiền bảo lãnh hợp đồng dưới hình thức đặt cọc (khoảng 2.000 USD/người), thế chấp giấy tờ nhà đất (hoặc nộp tiền thế chấp tài sản trị giá khoảng 150 triệu đồng/người). Việc thu phí và buộc NLĐ đóng tiền bảo lãnh hợp đồng với mức cao đối với các doanh nghiệp (DN) nhằm mục đích ràng buộc trách nhiệm, hạn chế NLĐ bỏ trốn. Nhưng trên thực tế, nó gây ra gánh nặng kinh tế, thu hẹp cơ hội của số đông lao động nghèo muốn sang Nhật Bản; thậm chí gây ra  tác dụng ngược, góp phần gia tăng lao động bỏ trốn. Để hạn chế tình trạng này, luật mới nghiêm cấm tổ chức phái cử thực tập sinh không được thu tiền bảo lãnh, buộc NLĐ phải nộp tiền thế chấp tài sản hoặc áp dụng các khoản bất hợp pháp khác.

Một thay đổi khác cũng rất có lợi cho NLĐ là nghiêm cấm thực hiện các hợp đồng có điều khoản tiền phạt đối với NLĐ. Hiện nay, phần đông DN phái cử TNS của VN đưa vào hợp đồng những nội dung chế tài bất lợi cho NLĐ. Chẳng hạn như quy định nếu bỏ trốn hoặc vi phạm hợp đồng, về nước trước hạn thì NLĐ phải bồi thường với mức bồi thường không cần chứng minh; trong nhóm có người bỏ trốn, DN có quyền sử dụng khoản tiền bảo lãnh của những người còn lại (dù không vi phạm gì) để sử dụng vào mục đích bồi thường cho đối tác...

Theo JITCO, để kiểm soát tổ chức phái cử tuân thủ quy định trên, khi làm thủ tục visa cho NLĐ, DN phải cung cấp hợp đồng đã ký với NLĐ. Ngược lại, ngay sau khi nhập cảnh, thực tập sinh cũng phải xuất trình bản hợp đồng đã ký giữa tổ chức phái cử. Các DN phái cử nếu vi phạm các quy định trên sẽ bị buộc dừng đưa thực tập sinh vào Nhật Bản.

Lao động nước ngoài được bảo vệ
Theo Luật Sửa đổi bổ sung về quản lý xuất nhập cảnh và công nhận tị nạn, các tổ chức tiếp nhận lao động nước ngoài vào Nhật Bản sẽ bị dừng tiếp nhận lao động nước ngoài trong thời hạn 5 năm nếu có các hành vi vi phạm như: bạo lực, đe dọa, giam cầm; xâm phạm nhân quyền rõ rệt; thu giữ hộ chiếu, giấy chứng nhận đăng ký người nước ngoài; sử dụng và cung cấp giấy tờ giả mạo; không thanh toán tiền lương.
Ngoài ra, các DN tiếp nhận thực tập sinh không được cấm thực tập sinh ra khỏi ký túc xá với lý do đề phòng bỏ trốn. Các hành vi cấm thực tập sinh dùng điện thoại di động và cấm gặp khách đến thăm gây khó khăn cho việc liên lạc với gia đình và bạn bè cũng được xem là hành vi không phù hợp.

0 nhận xét:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More